Các nhà kinh tế học, tâm lý học, xã hội học và nhiều người khác đang cố gắng chỉ ra mối liên hệ giữa của cải và cảm giác hạnh phúc, và họ đã tìm thấy một đầu mối tại các trường kinh doanh ở Mỹ và Anh. Họ cho rằng trường học, nơi có nhiều lĩnh vực nghiên cứu và có đầu óc cởi mở hơn bất cứ nơi nào khác, chính là chỗ hoàn hảo để kiểm nghiệm mối quan hệ đó.
Michael Norton, một nhà tâm lý học và giảng dạy môn marketing tại Trường kinh doanh Harvard cho rằng có những cơ sở xác đáng về kinh tế để chúng ta cố gắng tìm hiểu điều gì tạo ra hạnh phúc.
Ông nói: “Hạnh phúc là một việc tốt, và đó không phải là chuyện bất khả thi. Hạnh phúc thể hiện trong những hành vi kinh tế cụ thể của mỗi người”, ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng và cả những quyết định quan trọng như bỏ phiếu bầu cử. Ông nói thêm rằng: “Để đánh giá liệu một đất nước có đang thịnh vượng hay không, không thể không tính đến những điều mà người dân đang quan tâm”.
Trong một thí nghiệm tiến hành cùng với Elizabeth Dunn và Lara Aknin của Đại học British Columbia, Norton đã phát hiện ra rằng người ta hạnh phúc hơn khi có tiền và sử dụng tiền đó vì lợi ích của người khác, hơn là khi sử dụng tiền đó cho bản thân. Những người phung phí tiền bạc vì bạn bè thậm chí còn cảm thấy tốt hơn những người đem tiền làm từ thiện. Norton cho rằng rất có thể sự hào phòng sẽ giúp họ tăng cường các mối quan hệ xã hội.
Hiện tại, ông và các đồng sự đang tìm cách khuyến khích con người làm những việc thực sự khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Với ông, các trường kinh doanh, nơi tụ họp của các nhà kinh tế học, xã hội học, tâm lý học và nhiều người khác, là nơi lý tưởng để tiến hành những nghiên cứu về hạnh phúc.
Paul Dolan, một nhà kinh tế học tại Trường kinh doanh thuộc đại học hoàng gia ở London cho biết việc nghiên cứu tại các trường kinh doanh rất có giá trị vì các yếu tố kinh tế ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc, từ người thất nghiệp đến người đi làm.
Năm ngoái, ông đã thuyết giảng một khoá học một ngày về hạnh phúc và dự định năm nay sẽ kéo dài khoá học này thành bốn ngày. Khoá học bao gồm những chủ đề như làm thế nào để đo được độ thoả mãn và những điều con người cần để hạnh phúc, ví dụ như các mối quan hệ xã hội và cảm giác làm chủ được môi trường xung quanh.
Ông cho biết: “ Tôi đưa ra nhiều khía cạnh và các sinh viên sau đó sẽ nghĩ về việc thể áp dụng những khái niệm đó vào các tổ chức tư nhân ra sao”.
Dolan cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng những công nhân hạnh phúc làm việc năng suất hơn và ít nghỉ việc hơn.Tuy nhiên vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu được hạnh phúc có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất như thế nào.
Tại Trường kinh doanh Ashridge ngoại ô London, Stefan Wills, Giám đốc chương trình quản lý cấp cao, tin rằng những người hạnh phúc sẽ trở thành những lãnh đạo hiệu quả hơn, và các nhà quản lý muốn thành công thì phải có những cảm xúc tích cực tại nơi làm việc.
Ông nói: “Bạn phải để tâm đến những xúc cảm bạn thể hiện hàng ngày. Đó chính là trách nhiệm của các lãnh đạo, vì họ phải biết cách cải thiện lòng tự trọng và hạnh phúc của những người xung quanh mình”.
Rất nhiều nghiên cứu về hạnh phúc cũng tập trung vào cái gọi là Nghịch lý Easterlin do nhà kinh tế học Richard Easterlin đưa ra năm 1974. Ông cho biết các dữ liệu chỉ ra rằng một khi đất nước đã vượt qua được một ngưỡng cửa thấp của sự thịnh vượng, thì những tăng trưởng kinh tế sau đó không hề khiến người dân nước đó hạnh phúc hơn. Sự thịnh vượng tương đối có ý nghĩa hơn sự thịnh vượng tuyệt đối. Ông giải thích rằng những người giàu nhanh thường thích nghi với hoàn cảnh mới và trong thời gian đầu họ không hề thấy hạnh phúc hơn trước đó.
Nhưng giờ đây, quan điểm này đang gặp nhiều thử thách. Hai nhà kinh tế học từ Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania là Betsey Stevenson và Justin Wolfers, trong một bài viết đầu năm nay đã chỉ ra rằng các dữ liệu quốc tế nghiên cứu về hạnh phúc đang phản đối những kết luận của Easterlin. Những con số này cho thấy thực tế là người ta thực sự thấy hạnh phúc hơn khi người ta giàu lên.
“Chúng tôi thấy có một mối liên hệ rất chặt chẽ giữa giàu có và hạnh phúc”, Betsey Stevenson nói. “Lấy bất cứ nước nào dù giàu hay nghèo làm ví dụ, tăng thu nhập của nước đó lên 10% thì chỉ số hạnh phúc cũng sẽ tăng lên từng đó”.
- Bài viết của Beth Gardiner trên The Wall Street Journal Online -